Tin Tức
Vitamin D
- 20 tháng 03 năm 2024
- Posted by: Trần Minh Đức
- Category: Tin tức
Vitamin D là một nhóm secosteroid hòa tan trong chất béo, giúp cơ thể tăng cường hấp thu canxi, magie và phốt phát ở ruột; Và có nhiều tác dụng sinh học khác. Ở người, các hợp chất quan trọng nhất trong nhóm này là vitamin D3 (cholecalciferol) và Vitamin D2 (ergocalciferol).
Nguồn vitamin D tự nhiên là sự tổng hợp cholecalciferol ở các lớp dưới của biểu bì da, thông qua phản ứng quang hóa với bức xạ tia cực tím B (UV-B) khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc đèn UV-B. Một số loại thực phẩm, như thịt cá béo, giàu vitamin D tự nhiên hơn. Ngược lại, ergocalciferol (D2) được tổng hợp nhiều từ nguồn thực vật.
Một trong những chức năng chính của vitamin D là giúp cân bằng lượng canxi và phốt pho trong cơ thể, cần thiết để hình thành xương và răng. Vitamin D giúp cơ thể hấp thu canxi, làm giảm nguy cơ còi xương ở trẻ em và giảm nguy cơ loãng xương ở người lớn.
Vitamin D còn có vai trò quan trọng đối với tăng sức mạnh cơ bắp và sự chuyển động, và nó giúp dẫn truyền tín hiệu dây thần kinh.
Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy vitamin D có thể làm giảm sự phát triển của tế bào ung thư, giúp kiểm soát nhiễm trùng và giảm phù nề.
Vitamin D cũng có ảnh hưởng tại hệ thống miễn dịch vì các thụ thể Vitamin D được tìm thấy trong một số tế bào bạch cầu, bao gồm bạch cầu đơn nhân và tế bào T và B đã hoạt hóa.
Vitamin D cũng làm cho thành động mạch mềm mại từ đó giúp hạ huyết áp. Một số nghiên cứu chứng minh được vai trò của Vitamin D trong tổng hợp và làm tăng lượng testosterone ở nam giới.
Vitamin D được chứng minh là làm giảm nguy cơ tiểu đường typ 1 vì nó có thể cân bằng nội môi glucose bằng cách kích thích giải phóng insulin từ tế bào B tuyến tụy.
Ở phụ nữ mang thai, Vitamin D cải thiện sự phát triển của thai nhi và giảm nguy cơ trẻ nhẹ cân, giúp thai nhi phát triển hệ cơ xương; Giảm nguy cơ tiền sản giật, sinh non và tiểu đường thai kỳ cho bà mẹ.
Vitamin D giúp làm giảm các triệu chứng trầm cảm và lo âu. Do đó, nó còn được dùng trong phòng ngừa và điều trị rối loạn cảm xúc.
Một số nguyên nhân gây thiếu Vitamin D bao gồm:
– Không tiếp xúc đủ với ánh sáng mặt trời,
– Sắc tố da sẫm màu,
– Suy dinh dưỡng hoặc chế độ ăn không đủ Vitamin D, hoặc ăn chay trường
– Suy thận hoặc gan, hoặc một số bệnh ở ruột
– Một số loại thuốc có ảnh hưởng đến hấp thu Vitamin D, ví dụ: Thuốc nhuận tràng, sử dụng Prednisolone kéo dài, thuốc hạ cholesterol, thuốc chống động kinh, điều trị lao…
– Đang mắc ung thư, ví dụ như ung thư hạch
– Tiền sử gia đình có người thiếu vitamin D hoặc còi xương khi còn trẻ
Đại đa số các trường hợp, chế độ ăn không đủ vitamin D kết hợp với việc tiếp xúc không đủ với ánh nắng mặt trời sẽ gây ra tình trạng thiếu vitamin D, nghĩa là nồng độ 25-hydroxyvitamin D trong máu dưới 12 ng/mL (30nmol/lít). Một số biểu hiện của thiếu Vitamin D:
– Đau cơ, đau xương
– Cảm giác đau như kim châm ở tay hoặc chân
– Cơ cánh tay trên hoặc đùi, cơ ở vùng hông, cẳng chân yếu làm cho dáng đi lạch bạch
– Tiền sử gãy xương hoặc gãy xương nhiều lần
– Co giật cơ hoặc run hoặc co thắt cơ bắp
– Chân cong vòng kiềng
Nguồn thực phẩm giàu Vitamin D:
– Cá hồi giàu Vitamin D, Omega 3 và chất chống oxy hóa, có khoảng 600-700 IU Vitamin D trong 100g cá hồi tươi.
– Lòng đỏ trứng gà chứa nhiều vitamin A, D, E, K, trong khi lòng trắng chứa lượng lớn vitamin nhóm B. Người lớn khỏe mạnh có thể dùng 4-5 quả trứng/tuần có thể đáp ứng được 30% nhu cầu Vitamin các loại.
– Sữa công thức chứa nhiều Vitamin các loại trong đó có Vitamin D
– Nấm là một loại thực vật chứa nhiều vitamin D2 và chất đạm tốt cho sức khỏe.
– Một số hải sản như cá mòi, sò chứa nhiều Vitamin D, là thực phẩm được khuyên dùng trong bổ xung Vitamin D, kẽm và đạm.
– Ngoài ra các loại thực phẩm khác như đậu phụ, sữa chua rất giàu Vitamin và Vitamin D.
– Tắm nắng đúng cách: Nắng buổi sớm tốt nhất vì ít tia cực tím, diện tích da tiếp xúc càng nhiều càng tốt, thời gian khoảng 20-30 phút/lần và 2-3 lần/tuần. Nguy cơ: đục thủy tinh thể mắt, có thể tăng nguy cơ ung thư da, lão hóa da hoặc bỏng nắng nếu tắm nắng kéo dài.
Liều dùng Vitamin D hàng ngày, theo khuyến nghị của Viện Sức Khỏe Quốc gia Hoa Kỳ (National Institute of Health)
Tuổi | Nam | Nữ | Đang mang thai | Đang cho con bú |
0 – 12 tháng | 10 mcg (400 IU) | 10 mcg (400 IU) | ||
1 – 13 tuổi | 15 mcg (600 IU) | 15 mcg (600 IU) | ||
14 – 18 tuổi | 15 mcg (600 IU) | 15 mcg (600 IU) | 15 mcg (600 IU) | 15 mcg (600 IU) |
19 – 50 tuổi | 15 mcg (600 IU) | 15 mcg (600 IU) | 15 mcg (600 IU) | 15 mcg (600 IU) |
51 – 70 tuổi | 15 mcg (600 IU) | 15 mcg (600 IU) | ||
>70 tuổi | 20 mcg (800 IU) | 20 mcg (800 IU) |
Một số dấu hiệu quá liều hoặc tác dụng không mong muốn:
– Chán ăn
– Giảm cân
– Nhịp tim không đều
– Xơ cứng mạch máu và tổ chức mô do nồng độ canxi trong máu tăng cao, có khả năng dẫn đến tổn thương tim và thận.
Một số câu hỏi thường gặp:
1- Vitamin D có tác dụng gì đối với cơ thể?
Nó là một loại vitamin tan trong chất béo, giúp cơ thể hấp thụ canxi và phốt pho; rất quan trọng cho việc xây dựng xương. Ngoài ra, các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy vitamin D có thể làm giảm sự phát triển của tế bào ung thư, giúp chống nhiễm trùng và chống viêm.
2- Điều gì xảy ra nếu cơ thể thiếu hụt vitamin D?
Khi thiếu hụt vitamin D, cơ thể hấp thụ canxi và phốt pho rất kém, làm tăng nguy cơ đau xương, gãy xương, đau cơ và yếu cơ. Ở người lớn tuổi, thiếu vitamin D nghiêm trọng (mức dưới 10 ng/mL) có thể tăng nguy cơ té ngã và gãy xương.
3- Thực phẩm nào có nhiều vitamin D nhất?
Nguồn thực phẩm cung cấp vitamin D tốt nhất là cá béo, bao gồm cá hồi, cá thu và cá mòi. Các nguồn khác bao gồm lòng đỏ trứng, thịt đỏ và gan. Vitamin D cũng được thêm vào một số thực phẩm, bao gồm ngũ cốc ăn sáng, sữa thực vật, sữa công thức.
4- Phụ nữ mãn kinh nên uống bao nhiêu mg vitamin D?
Phụ nữ mãn kinh nên bổ sung 600 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D mỗi ngày, đây là mức khuyến nghị hàng ngày cho tất cả người lớn, kể cả phụ nữ từ 19 đến 70 tuổi. Sau 70 tuổi, nam và nữ cần 800 IU (20mcg) mỗi ngày.
5- Vitamin D có thể cân bằng estrogen?
Vitamin D tham gia vào cân bằng estrogen và progesterone trong cơ thể. Vitamin D cũng giúp điều chỉnh lượng insulin góp phần điều hòa đường máu.
6- Ba triệu chứng của việc không đủ vitamin D là gì?
Các triệu chứng thiếu vitamin D có thể bao gồm: (1) Đau xương và đau cơ; (2) Trầm cảm hoặc cảm giác buồn bã; (3) Rụng tóc và yếu cơ bắp.
7- Cần bổ sung vitamin D3 trong thời gian bao lâu?
Nói chung, một số người có thể nhận thấy cải thiện sau khi uống Vitamin D trong vòng vài tuần, trong khi một số người khác, có thể mất nhiều thời gian hơn một chút. Điều cần thiết là phải kiên nhẫn và nhất quán với chế độ bổ sung, để cho phép cơ thể hấp thụ và sử dụng Vitamin D một cách hiệu quả. Trung bình thời gian sử dụng khoảng 10-12 tuần.
8- Uống Vitamin D vào lúc nào?
Nên uống trong bữa ăn vì Vitamin D tan trong dầu, và có thể uống vào bữa sáng, trưa hoặc tối.
9- Cà phê có ức chế hấp thu vitamin D không?
Caffeine có tác dụng lợi tiểu nhẹ, dẫn đến tăng lượng nước tiểu. Kết quả là các vitamin tan trong nước như vitamin B và vitamin C có thể bị giảm do mất nước. Nghiên cứu cũng chứng minh rằng hàm lượng caffeine càng cao thì càng cản trở sự hấp thụ vitamin D.
10- Vitamin D có giúp ích cho thời kỳ mãn kinh không?
Việc giảm thiểu estrogen theo tuổi tác sẽ làm giảm dần mật độ xương và làm cho xương yếu; Vitamin D có tác dụng làm chậm quá trình này. Một số nghiên cứu cho thấy vitamin D còn giúp ổn định cảm xúc và tâm trạng của phụ nữ mãn kinh và được nhiều người coi Vitamin D là một Vitamin quan trọng nhất đối với phụ nữ mãn kinh.
Hệ thống phòng khám Dr Marie cung cấp dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục. Vui lòng gọi 1900 55 88 82 hoặc truy cập website: https://drmarie.com.vn để biết thêm chi tiết.
Bs. Trần Đình Chiến – MSI Vietnam
Tham khảo
1- Viện Dinh Dưỡng Quốc gia (2021). Cập nhật liều dùng Vitamin D, Vitamin K2 trong phòng, điều trị còi xương và tăng trưởng ở trẻ em.
https://viendinhduong.vn/vi/tin-tuc—su-kien-noi-bat/cap-nhat-lieu-dung-vitamin-d-vitamin-k2–trong-phong-dieu-tri-coi-xuong-va-tang-truong-o-tre-em.html,
truy cập 3/2024
2- National Institute of Health, Vitamin D, fact sheet for health professionals. https://ods.od.nih.gov/factsheets/VitaminD-HealthProfessional/
truy cập tháng 3/2024.
3- Harvard School of Public Health: Vitamin D https://www.hsph.harvard.edu/nutritionsource/vitamin-d/,
truy cập tháng 3/2024.