Tin Tức
KẾT QUẢ XÉT NGHIỆM PAP – DIỄN GIẢI THEO DANH PHÁP BETHESDA 2014 và QUYẾT ĐỊNH 2402/QĐ – BYT NGÀY 10/6/2019 CỦA BỘ Y TẾ.
- 14 tháng 01 năm 2025
- Posted by: duc.mn
- Category: Tin tức
A. NHẬN XÉT MẪU BỆNH PHẨM
- Kết quả xét nghiệm PAP bình thường: Không phát hiện thấy tế bào bất thường, được gọi là kết quả âm tính. Có thể mô tả kết quả không tân sinh (không bắt buộc) như: chuyển sản lát, sừng hóa, thiểu dưỡng,…
- Mẫu bệnh phẩm không đạt yêu cầu: Mẫu xét nghiệm không có đủ tế bào hoặc các tế bào có thể bị vón cục hoặc nhiều máu hoặc chất nhầy che khuất. Yêu cầu làm lại xét nghiệm PAP sau 2 đến 4 tháng.
- Kết quả xét nghiệm PAP bất thường: Kết quả xét nghiệm bất thường có thể được gọi là kết quả xét nghiệm dương tính. Một số tế bào ở cổ tử cung trông khác với các tế bào bình thường. Kết quả xét nghiệm bất thường không có nghĩa là ung thư.
B.MỘT SỐ BẤT THƯỜNG (theo danh pháp Bethesda 2014) bao gồm:
I. TẾ BÀO VẢY
TẾ BÀO VẢY KHÔNG ĐIỂN HÌNH – Atypical squamous cells (ASC), gồm:
1.1. Tế bào vảy không điển hình có ý nghĩa không xác định – Atypical squamous cells of undetermined significance (ASC-US).
Đây là phát hiện bất thường phổ biến nhất trong xét nghiệm Pap. Các tế bào có những thay đổi bất thường, chủ yếu do nhiễm HPV, hoặc một vài nguyên nhân khác như:
- Nhiễm trichomonas, herpec, tạp khuẩn…
- Nhiễm nấm men,
- Những thay đổi trong thời kỳ mang thai hoặc tiền mãn kinh.
- Kích ứng thuốc…
1.2. Tế bào vảy không điển hình, không loại trừ tổn thương biểu mô vảy mức độ cao – Atypical squamous cells, cannot exclude HSIL (ASC-H)
Tìm thấy một số tế bào vảy bất thường. Có thể là tổn thương biểu mô vảy mức độ cao (HSIL), mặc dù không chắc chắn.
2. TỔN THƯƠNG BIỂU MÔ VẢY- Squamous intraepithelial lesion (SIL) gồm:
2.1. Tổn thương biểu mô vảy mức độ thấp (Low-grade squamous intraepithelial lesion – LSIL).
Phát hiện các tế bào biểu mô vảy bất thường ở mức độ thấp (tương đương CIN I), thường do nhiễm HPV và có thể tự mất, tự khỏi
2.2.Tổn thương biểu mô vảy mức độ cao (High-grade squamous intraepithelial lesion – HSIL).
Phát hiện các tế bào biểu mô vảy bất thường, có loạn sản mức độ trung bình hoặc nghiêm trọng hoặc tổn thương tiền ung thư (tương đương CIN II hoặc CIN III). Nên soi cổ tử cung và sinh thiết để chẩn đoán mô bệnh học.
3.UNG THƯ TẾ BÀO VẢY (Squamous Cell Carcinoma)
Tìm thấy thay đổi ác tính của các tế bào vẩy cổ tử cung.
II. TẾ BÀO TUYẾN
CÁC BẤT THƯỜNG TẾ BÀO BIỂU MÔ TUYẾN – Glandular epithelial cell abnormalities, gồm:
- Tế bào tuyến bất thường (không điển hình) – Atypical glandular cells not otherwise specified (AGC).
Tìm thấy một số tế bào tuyến bất thường. Có thể là tế bào tuyến ống cổ tử cung và/hoặc tế bào tuyến niêm mạc tử cung.
- Tế bào tuyến bất thường hướng tới quá sản – Atypical glandular cells, favour neoplasia).
Tìm thấy tế bào tuyến bất thường, hình ảnh tân sinh/quá sản tế bào tuyến
- Ung thư tế bào biểu mô tuyến tại chỗ – Adenocarcinoma in Situ (AIS).
Phát hiện tổn thương biểu mô tuyến tiến triển khu trú tại chỗ (được gọi là ung thư giai đoạn 0). Các tổn thương AIS có thể được gọi là tiền ung thư (ung thư biểu mô tuyến cổ tử cung).
- Ung thư tế bào biểu mô tuyến xâm nhập – Adenocarcinoma.
Phát hiện các tế bào biểu mô tuyến ác tính, có thể là ung thư biểu mô tuyến ống cổ tử cung và/hoặc ung thư biểu mô tuyến niêm mạc tử cung; hoặc không rõ nguồn gốc.
III.TỔN THƯƠNG TÂN SINH ÁC TÍNH KHÁC (ghi rõ)
Tham khảo:
- Bộ Y tế (2019). Quyết định 2402/QĐ-BYT. “Hướng dẫn Dự phòng và Kiểm soát Ung thư Cổ tử cung”
- MSI Guidance on Cervical Cancer Prevention (2023), v4.0.
- American Cancer Society, https://www.cancer.org/cancer/types/cervical-cancer/detection-diagnosis-staging/screening-tests/pap-test.html