Tin Tức
Thuốc Misoprostol
- 25 tháng 05 năm 2023
- Posted by: Trần Minh Đức
- Category: Tin tức
Misoprostol là một prostaglandin E1 tổng hợp [1] được sử dụng để phòng ngừa và điều trị loét dạ dày và tá tràng, kích hoạt chuyển dạ, đình chỉ thai, phòng và điều trị chảy máu sau sinh. Misoprostol được sử dụng qua đường uống hoặc đặt trực tràng.
Nhà sinh lý học Thụy Điển Ulf von Euler và nhà sinh lý học người Anh M.W. Goldblatt, lần đầu tiên phát hiện ra prostaglandin một cách độc lập vào năm 1935.[2]
Prostaglandin E2 được tổng hợp lần đầu tiên vào năm 1970 và được FDA Hoa Kỳ chấp thuận cho sử dụng trong y tế vào năm 1977, và được đưa vào Danh mục Thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng năm.[3]
Misoprostol được sử dụng trong phòng ngừa loét dạ dày do các thuốc chống viêm giảm đau (NSAID) gây ra. Nó hoạt động trên các tế bào niêm mạc dạ dày, ức chế sự tiết axit dạ dày bằng cách ức chế adenylate cyclase qua trung gian thụ thể kết hợp G-protein, dẫn đến giảm nồng độ AMP vòng nội bào và giảm hoạt động bơm proton ở bề mặt của tế bào.
Do các nhóm thuốc khác, đặc biệt là thuốc đối kháng thụ thể H2 và thuốc ức chế bơm proton hiệu quả hơn trong điều trị loét dạ dày tá tràng cấp tính, nên misoprostol thường được chỉ định sử dụng cho những người vừa dùng NSAID vừa có nguy cơ cao bị loét dạ dày do NSAID.
Misoprostol còn được sử dụng để khởi phát chuyển dạ cho các trường hơp thai quá ngày sinh, thai chết lưu, vv…và thường được kết hợp với Oxytocin [4]
Những năm 2002 – 2012, các nước liên hiệp châu Âu (EU) đã phê duyệt sử dụng Misoprostol đặt âm đạo làm mềm cổ tử cung và gây cơn co tử cung trong kích hoạt chuyển dạ. [5]
Misoprostol được sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với mifepristone trong đình chỉ thai nội khoa. Sử dụng misoprostol trong đình chỉ thai nội khoa có ưu điểm là an toàn, ít xâm lấn hơn, chủ động và kín đáo hơn, cảm giác “tự nhiên” hơn, dễ tiếp cận hơn, đặc biệt là ở những nơi phá thai bị kỳ thị hoặc bất hợp pháp.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban hành Hướng dẫn Sử dụng, bao gồm cả lợi ích và rủi ro của misoprostol trong phá thai.[3]. Misoprostol được chứng minh có hiệu quả nhất khi được sử dụng kết hợp với mifepristone. Trong khi mifepristone có tác dụng chặn progesterone tác động lên thụ thể, làm cho niêm mạc tử cung và màng rụng bị thoái hóa, phôi thai tách bị ra khỏi màng rụng, thì misoprostol có tác dụng làm mềm, giãn cơ cổ tử cung và gây các cơn co tử cung tống suất thành phần thụ thai ra khỏi buồng tử cung. Hầu hết các nghiên cứu lớn đề xuất một phác đồ sử dụng misoprostol kết hợp với mifepristone. Theo đó, 1 viên Mifepristone 200mg theo đường uống và 4 viên Misoprostol 200 mcg bằng cách ngậm dưới lưỡi hoặc ngậm áp má hoặc đặt âm đạo, khoảng cách sử dụng mifepristone và misoprostol từ 24-48 giờ. Hiệu quả được chứng minh đạt trên 95% đối với những trường hợp có tuổi thai đến hết 9 tuần.[6]
Misoprostol còn được sử dụng cho một số trường hợp sảy thai không hoàn toàn bằng cách ngậm áp má hoặc đặt dưới lưỡi hoặc trực tràng [7]
Misoprostol cũng được sử dụng để phòng ngừa và điều trị băng huyết sau sinh. Sử dụng misoprostol qua đường trực tràng là tối ưu trong các trường hợp chảy máu sau sinh. Một thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên về việc sử dụng misoprostol cho thấy tỷ lệ tử vong mẹ do băng huyết sau sinh giảm 38% tại các cộng đồng thu nhập thấp và nguồn lực hạn chế.[8]
Tác dụng phụ được báo cáo phổ biến nhất của misoprostol là tiêu chảy. Trong các thử nghiệm lâm sàng, trung bình 13% số người sử dụng báo cáo bị tiêu chảy. Ngoài ra, đau bụng, buồn nôn, đầy hơi, nhức đầu, khó tiêu, nôn và táo bón, cũng được ghi nhận nhưng ít gặp hơn và giảm dần sau đó.
Một số chống chỉ định với Misoprostol gồm:
– Nghi ngờ hoặc đang mang thai ngoài tử cung,
– Có dấu hiệu nhiễm trùng tiểu khung hoặc nhiễm trùng toàn thân,
– Có tiền sử dị ứng với misoprostol,
– Có các bệnh lý van tim như hẹp van hai lá,
– Tăng nhãn áp,
– Hen phế quản
– Thận trọng đối với các trường hợp có sẹo mổ cũ tại tử cung.
Nguồn
- “Misoprostol”. The American Society of Health-System Pharmacists. Archived from the original on 21 February 2015. Retrieved 20 February 2015.
- “Prostaglandin E2”. American Chemical Society.
- World Health Organization(2019). World Health Organization model list of essential medicines: 21st list 2019. Geneva: World Health Organization. hdl:10665/325771. WHO/MVP/EMP/IAU/2019.06. License: CC BY-NC-SA 3.0 IGO.
- Summers L (1997). “Methods of cervical ripening and labor induction”. Journal of Nurse-Midwifery. 42 (2): 71–85. doi:1016/S0091-2182(96)00138-3. PMID9107114.
- Varlas VN, Bostan G, Nasui BA, Bacalbasa N, Pop AL (April 2021). “Is Misoprostol Vaginal Insert Safe for the Induction of Labor in High-Risk Pregnancy Obese Women?”. Healthcare. 9(4): 464. doi:3390/healthcare9040464. PMC 8070889. PMID 33919898.
- providing medical abortion in low-resource settings(PDF) (2 ed.). Gynuity Health Projects. 2009. p. 4. Archived from the original (PDF) on 22 February 2016. Retrieved 31 August 2015.
- American College of Obstetricians Gynecologists’ Committee on Practice Bulletins—Gynecology (November 2018). “ACOG Practice Bulletin No. 200: Early Pregnancy Loss”. Obstetrics and Gynecology. 132(5): e197– e207. doi:1097/AOG.0000000000002899. PMID 30157093. S2CID 13149908.
- Derman RJ, Kodkany BS, Goudar SS, Geller SE, Naik VA, Bellad MB, et al. (October 2006). “Oral misoprostol in preventing postpartum haemorrhage in resource-poor communities: a randomised controlled trial”. Lancet. 368 (9543): 1248–53. doi:10.1016/S0140-6736(06)69522 6. PMID 17027730. S2CID 22275092.