Tin Tức
Vitamin A
- 25 tháng 03 năm 2024
- Posted by: Trần Minh Đức
- Category: Tin tức
Vitamin A là một chất dinh dưỡng quan trọng và thiết yếu trong việc duy trì chức năng của biểu mô, thị giác, miễn dịch, tăng trưởng phôi, và sinh sản của cơ thể người. Vitamin A tan trong chất béo và tồn tại dưới dạng nhóm các hợp chất hữu cơ bao gồm Retinol, Retinal, Retinoic và một số Carotenoid.
Vitamin A tồn tại dưới hai dạng chính: (1) Retinol, được tìm thấy trong các thực phẩm có nguồn gốc động vật, dưới dạng retinol hoặc liên kết với axit béo để trở thành Retinyl ester; Và (2) Carotenoids có nguồn gốc thực vật gồm Alpha-carotene, β-carotene, Gamma-carotene, Xanthophyll beta-cryptoxanthin (tất cả đều chứa vòng β-ionone) được gọi là các chất tiền vitamin A.
Retinyl ester từ thực phẩm có nguồn gốc động vật được men Retinyl Esterhydrolase trong lòng ruột biến đổi thành Retinol tự do. Retinol được ruột hấp thụ khoảng 70-90% bằng cách khuếch tán thụ động. Trong tế bào, Retinol liên kết với protein liên kết Retinol 2 (RBP2).
β-carotene (có nguồn gốc thực vật) được tế bào ruột hấp thụ bởi thụ thể protein vận chuyển màng B1 (SCARB1). β-carotene được hấp thụ hoặc được tích hợp vào chylomicron hoặc chuyển đổi thành retinal rồi thành retinol, và liên kết với RBP2. Sau bữa ăn, khoảng 2/3 chylomicron được gan hấp thụ và lưu trữ. Phần còn lại được đưa đến các mô ngoại vi, các mô ngoại vi cũng có thể chuyển đổi chylomicron β-carotene thành retinol.
Vitamin A rất quan trọng đối với sức khỏe mắt và thị lực, hệ thống miễn dịch, sinh sản, tăng trưởng và phát triển thể lực, nó còn có tác động tích cực đến hoạt động của hệ tim mạch, phổi và da. Vitamin A có tác dụng chống oxy hóa bảo vệ tế bào khỏi các gốc tự do và làm giảm các tế bào ung thư, đặc biệt là ung thư phổi và ung thư tế bào hắc tố da.
Trong thai kỳ, Vitamin A là một vi chất thiết yếu và quan trọng cho sức khỏe bà mẹ và thai nhi, giúp phát triển hình thái, chức năng và sự nguyên vẹn của mắt. Ngoài ra, Vitamin A còn có tác dụng với một số cơ quan chuyên biệt và sự phát triển xương của thai nhi. Thiếu Vitamin A ở thai kỳ có thể gây tổn thương giác mạc của thai nhi và là nguyên nhân gây mù lòa của trẻ, nếu không được điều trị.
Quáng gà do thiếu vitamin A kéo dài còn được gọi là bệnh mù đêm hoặc thoái hóa sắc tố võng mạc. Người bị quáng gà có thị lực rất kém trong điều kiện thiếu ánh sáng, thời gian để mắt nhìn rõ khi đi từ môi trường sáng vào trong môi trường tối kéo dài hơn bình thường, hay bị vấp ngã hoặc điều khiển phương tiện giao thông khó khăn. Ngoài ra, một số dấu hiệu khác đi kèm như: buồn nôn, đau đầu, đau mắt, thấy có chấm đen trước mắt.
Bệnh khô mắt do thiếu vitamin A nghiêm trọng, được mô tả như là tình trạng khô kết mạc và giác mạc. Nếu không được điều trị, chứng khô mắt có thể dẫn mù lòa do tổn thương giác mạc và võng mạc. Vitamin A còn giữ vai trò đảm bảo sức khỏe tuyến nước bọt, tinh hoàn, ruột non, những tổ chức biểu mô dưới da. Ngoài ra, trẻ em thiếu Vitamin A còn chậm phát triển về thể lực và dễ bị nhiễm trùng do hệ miễn dịch suy yếu.
Định lượng Retinol huyết tương hoặc Retinol trong sữa mẹ có thể được dùng trong chẩn đoán thiếu hụt Vitamin A. Tuy nhiên, cả hai phương pháp này đều không cho biết tình trạng dự trữ Vitamin A ở gan.
Nhu cầu Vitamin A hàng ngày, theo khuyến nghị của Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ (National Institute of Health)
Tuổi |
Nam |
Nữ |
Thai kỳ |
Cho con bú |
Dưới 6 tháng* |
400 mcg |
400 mcg |
||
7–12 tháng* |
500 mcg |
500 mcg |
||
1–3 tuổi |
300 mcg |
300 mcg |
||
4–8 tuổi |
400 mcg |
400 mcg |
||
9–13 tuổi |
600 mcg |
600 mcg |
||
14–18 tuổi |
900 mcg |
700 mcg |
750 mcg |
1,200 mcg |
19–50 tuổi |
900 mcg |
700 mcg |
770 mcg |
1,300 mcg |
51+ tuổi |
900 mcg |
700 mcg |
||
(*) tương đương với lượng vitamin A hấp thụ trung bình ở trẻ sơ sinh khỏe mạnh, bú sữa mẹ. |
Ngộ độc vitamin A có thể xảy ra do uống quá liều cấp tính hoặc mãn tính (ví dụ như liệu pháp vitamin A hoặc điều trị một số bệnh ở da).
Ngộ độc cấp tính, khi sử dụng >300.000 IU/ngày. Biểu hiện phát ban, đau bụng, tăng áp lực nội sọ và nôn mửa. Ngộ độc vitamin A mãn tính ở trẻ lớn và người lớn được xuất hiện sau khi dùng liều > 100.000 đơn vị (> 30.000 RAE)/ngày, trong nhiều tháng. Biểu hiện phát ban, tăng áp lực nội sọ, tóc thưa và thô, da khô và thô ráp, đau khớp; nguy cơ gãy xương tăng lên, đặc biệt ở người lớn tuổi.
Ở bà mẹ mang thai, một số nghiên cứu chỉ ra rằng dùng quá liều vitamin A có thể gây ra dị tật thai nhi, nhất là trong 60 ngày đầu sau khi thụ thai. Việc thường xuyên bổ sung vitamin A trước khi sinh cũng không được khuyến cáo.
Chẩn đoán ngộ độc Vitamin A thường được dựa trên kết quả đánh giá lâm sàng. Xét nghiệm có thể thấy Retinol huyết thanh lúc đói > 100 mcg/dL (> 3,49 mcmol/L); Bình thường 28 – 86 mcg/dL (1 -3 mcmol/L).
Ngừng sử dụng vitamin A, các triệu chứng ngộ độc giảm dần trong vòng 1 đến 4 tuần.
Một số thực phẩm giàu Vitamin A.
Gan động vật như bò, lợn, gấu bắc cực, hải cẩu chứa nhiều Vitamin A, Vitamin B12, B2, folate, sắt và choline. Ước tính, 100g gan bò có thể chứa 650mcg-800mcg Vitamin A. Nếu ăn nhiều gan có thể dẫn đến dư thừa Vitamin A.
Cà rốt là một trong số rau củ chứa rất nhiều β carotene, một ly nước ép cà rốt có thể cung cấp 500 -700mcg carotene. Cà rốt còn là món ưa thích trong bữa ăn hàng ngày, bởi vị ngọt nhẹ và mùi thơm đặc trưng.
Khoai lang rất giàu β carotene bổ sung nguồn Vitamin A cho cơ thể. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng khoai lang còn giúp cơ thể ngăn ngừa táo bón, ung thư đại tràng và ung thư tuyến tiền liệt.
Cà chua là loại quả rất dồi dào carotene, vitamin C, lycopene, và những hoạt chất chống oxy hóa. Nước ép cà chua và cà chua có chứa zeaxanthin và lutein rất tốt cho mắt và thị lực.
Một số câu hỏi thường gặp:
1- Vai trò và chức năng chính của vitamin A là gì?
Vitamin A giúp hình thành và duy trì sức khỏe răng, xương và mô mềm, màng niêm mạc và da. Quan trọng nhất là nó tạo ra các sắc tố võng mạc của mắt, giúp tăng cường thị lực, đặc biệt là trong điều kiện ánh sáng yếu. Nó cũng có vai trò trong bảo vệ sức khỏe bà mẹ và sự phát triển của thai trong thai kỳ và tăng cường khả năng miễn dịch.
2- Vitamin A tồn tại trong cơ thể bao lâu?
Vitamin A được hấp thụ vào cơ thể cùng với chất béo trong món ăn và sau đó được lưu trữ trong mô mỡ và gan trong nhiều tháng. Nhưng nếu chúng ta nạp quá nhiều hơn mức cần thiết và kéo dài, nó sẽ dần tích tụ trong các mô của cơ thể, có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc.
3- Nếu cần bổ sung, nên uống vitamin A vào lúc nào?
Vitamin A tan trong dầu/chất béo do vậy nên sử dụng gần hoặc trong các bữa ăn, có thể bữa sáng, trưa hoặc bữa tối.
4- Uống vitamin A hàng ngày có tốt không?
Người lớn khỏe mạnh có thể bổ sung không quá 3.000 mcg vitamin A mỗi ngày. Sử dụng nhiều beta-carotene hoặc tiền vitamin A từ nguồn thực vật không gây ra bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào.
5- Các triệu chứng của thiếu vitamin A là gì?
Tám dấu hiệu và triệu chứng thiếu vitamin A gồm: Da khô; Khô Mắt; Quáng gà; Vô sinh và khó thụ thai; Tăng trưởng chậm; Nhiễm trùng họng tái phát; Chậm lành vết thương; Mụn trứng cá và mụn.
Hệ thống phòng khám Dr Marie cung cấp dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục. Vui lòng gọi 1900 55 88 82 hoặc truy cập website: https://drmarie.com.vn để biết thêm chi tiết.
Bs Trần Đình Chiến – MSI Vietnam
Tham khảo:
1- Bộ Y tế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Chiến dịch bổ sung vitamin A toàn quốc đợt 2 năm 2023.
https://viendinhduong.vn/vi/tin-tuc—su-kien-noi-bat/thong-tin-bao-chi-ve-phong-chong-thieu-vi-chat-dinh-duong–chien-dich-bo-sung-vitamin-a-toan-quoc-dot-2-nam-2023.html, truy cập 3/2024.
2- Larry E. Johnson, Nov 2022, Vitamin A toxicity. MSD Manual Professional Version. https://www.msdmanuals.com/professional/nutritional-disorders/vitamin-deficiency,-dependency,-and-toxicity/vitamin-a-toxicity, truy cập 3/2024.
3- National Institute of Health, Vitamin A and Carotenoids
https://ods.od.nih.gov/factsheets/VitaminA-Consumer/#:~:text=Vitamin%20A%20is%20a%20fat,and%20other%20organs%20work%20properly. Truy cập 3/2024.